Làng nghề nước mắm Tam Thanh (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) không chỉ giữ truyền thống đậm bản sắc địa phương, mà còn phát triển du lịch dựa trên nền tảng văn hóa của cộng đồng.
Làng nghề mắm 100 tuổi ở Quảng Nam mời khách thử cà phê mắm, nghỉ homestay
Ads (0:00)
Làng nghề nước mắm 100 năm tuổi ở Quảng Nam phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Diễm My
Làng nghề nước mắm truyền thống Tam Thanh đã có từ đây hơn 100 năm. Trải qua nhiều thăng trầm cùng với sự xuất hiện và phát triển của nhiều thương hiệu nước mắm công nghiệp, làng nghề nhiều lần đứng trước nguy cơ thất truyền.
Chị Lan Anh, chủ cơ sở nước mắm Làng Bích Họa, xã Tam Thanh, cho biết với sự xuất hiện của nước mắm công nghiệp, nước mắm truyền thống đã gặp phải nhiều khó khăn, đã có giai đoạn gia đình thật sự muốn dừng lại.
“Là một người trẻ, nghề là nghề của ba mẹ, bỏ thì tiếc nên dù ba mẹ đã dừng một thời gian, nhưng vợ chồng mình đã tìm được quy trình chế biến nước mắm ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời và hệ thống đảo tự động để giúp nước mắm giữ được lâu, không bị đen mà còn an toàn cho người sử dụng”, chị Lan Anh chia sẻ.
Với nỗ lực của những gia đình làm mắm lâu năm cùng với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nước mắm truyền thống Tam Thanh đã có những bước chuyển mình, phát triển mạnh mẽ hơn. Làng nghề nước mắm Tam Thanh hiện nay có khoảng 40 hộ gia đình, 12 hộ tham gia vào hợp tác xã nước mắm truyền thống Tam Thanh.
Ngoài các công đoạn cần thiết bị trợ giúp, nước mắm truyền thống Tam Thanh ngày nay vẫn được giữ nguyên cách làm của cha ông. Người dân sử dụng cá cơm tươi từ biển về, làm sạch và ủ với muối trong chum lên đến 12 tháng. Những mẻ mắm khi ủ đủ thời gian sẽ được mang ra chắt lọc cho ra những giọt nước mắm vừa thơm vừa trong veo.
Người dân ứng dụng công nghệ vào làm mắm. Ảnh: Diễm My
Người dân ứng dụng công nghệ vào làm mắm. Ảnh: Diễm My
Hiện nay, để đẩy mạnh sự phát triển của làng nghề truyền thống này, các hộ gia đình làm nước mắm và chính quyền địa phương cũng đề ra phương án thay đổi. Trong đó, xã Tam Thanh sẽ phát triển làng nghề nước mắm truyền thống gắn với du lịch cộng đồng.
Sản phẩm nước mắm truyền thống Tam Thanh tuy vẫn giữ nguyên về cách làm nhưng có sự thay đổi trong khâu đóng gói, bao bì và cách tiếp cận khách hàng.
Đặc biệt, không chỉ là một sản phẩm gia vị thông thường, hình ảnh nước mắm truyền thống tại đây ngày càng đến gần hơn với khách du lịch trong nước và quốc tế.
Chị Ngọc Tầm, chủ hợp tác xã mắm Ngọc Lan, chia sẻ: “Du khách khi đến tham quan sẽ được trực tiếp xem, nghe về quy trình làm mắm và những câu chuyện tạo nên hình ảnh nước mắm truyền thống không chỉ đặc biệt trong hương vị mà còn đặc biệt trong những giá trị tinh thần”.
Theo chị, khách du lịch sẽ có cơ hội lắng nghe câu chuyện về đánh bắt cá như thế nào và tại sao vị mắm truyền thống của miền Trung lại mặn hơn những vùng miền khác
Bên cạnh đó, hiện nay hợp tác xã mắm này còn phát triển những sản phẩm mới lạ hơn như cà phê mắm để du khách trải nghiệm. Khi uống cà phê mắm, du khách sẽ cảm nhận được vị mắm thơm lừng, đậm đà của mắm Tam Thanh.
Đồng thời, cơ sở còn kết hợp với hình thức lưu trú dưới dạng homestay để du khách ở lại, trò chuyện và theo dõi quy trình làm nước mắm truyền thống.
Sản phẩm cà phê mắm từ làng nghề nước mắm Tam Thanh. Ảnh: Diễm My
Sản phẩm cà phê mắm từ làng nghề nước mắm Tam Thanh. Ảnh: Diễm My
Theo ông Võ Quang Hân, Phó chủ tịch xã Tam Thanh, để thực hiện đề án Phát triển du lịch xã Tam Thanh từ nay đến năm 2025, định hướng phát triển đến năm 2030, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nước mắm truyền thống Tam Thanh.
“Các hộ kinh doanh cần đa dạng mẫu mã để hình thành sản phẩm quà tặng, sản phẩm tiêu dùng. Đảm bảo mỗi hộ kinh doanh đều có thể giới thiệu cho du khách về đặc trưng nước mắm Tam Thanh”, ông Võ Quang Hân thông tin.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét